GIỚI THIỆU SÁCH HAY THÁNG 10/2024: MẠC THỊ BƯỞI

    Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ nữ Việt Nam, là ngày mà lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là ngày mà lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.

     Trong công cuộc giải phóng đất nước, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc, cống hiến cho đất nước những người chồng, người con xuất sắc, mà họ còn là những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên tiền tuyến.

     Trong thời bình, người phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

     Hôm nay, nhân kỉ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, thư viện trường TH Nguyễn Thái Học trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách MẠC THỊ BƯỞI của tác giả Vương Trọng do NXB Kim Đồng phát hành. Sách dày 28 trang, khổ 19x26cm. 

  Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi sinh năm 1927 tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

    Mạc Thị Bưởi được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cũng như nhiều thanh thiếu niên yêu nước khác, Mạc Thị Bưởi đã tham gia cách mạng với sự quyết tâm cao độ. Chưa biết chữ, chị chăm chỉ tham gia các lớp học bình dân, quyết học bạn bè, đồng chí dọc đường công tác… để có thể phục vụ tốt cho các công tác cách mạng. Chị xông pha, khôn khéo và linh hoạt khi hoạt động bí mật ngay lòng địch dù chị biết rủi ro bị bắt là rất cao. Tới khi bị phát hiện, bị tra tấn dã man, Mạc Thị Bưởi vẫn bất khuất, giữ nguyên lòng kiên trung với cách mạng.

 

https://api-v5.hanoisoft.com.vn/storage/bactuliem/tieuhocthuyphuong/ckfinder/userfiles/images/mtb(1).jpg

     Ngày giặc Pháp quyết định tử hình chị, Mạc Thị Bưởi đã được nhìn lại quê hương – động lực lớn lao khiến chị quyết tâm chiến đấu – một lần cuối cùng. Chi tiết này được khắc hoạ đầy cảm động qua phần lời kể của tác giả Vương Trọng cùng phần minh hoạ của Cloud Pillow Studio.

     Mạc Thị Bưởi hy sinh khi mới 24 tuổi xuân. Nhân dân địa phương và đồng đội vô cùng thương tiếc đồng chí, đã nêu quyết tâm hăng hái chiến đấu và tích cực công tác để trả thù cho đồng chí.

Ngày 31-8-1955, Mạc Thị Bưởi được Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng Hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng nhì.

     Ngày nay Đảng bộ và nhân huyện Nam Sách đã dựng tượng đài Mạc Thị Bưởi, cạnh quốc lộ 5 và xây nhà tưởng niệm tại khu vực đền thờ Mạc Đĩnh Chi để ghi công và tưởng nhớ người con gái anh hùng của quê hương. Nhiều con đường thuộc nhiều thành phố của nước ta cùng nhiều ngôi trường cũng được mang tên nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi, như nhắc nhở lớp thanh thiếu niên kế cận nhớ về sự gan dạ dũng cảm, tinh thần mạnh mẽ, không chịu khuất phục của người con gái đã dành trọn tuổi xuân cho hoà bình của dân tộc. 


1. Mạc Thị Bưởi: Truyện tranh/ Vương Trọng: lời, Cloud Pillow Studio.- Hà Nội: Kim Đồng, 2024.- 28tr; 26cm.
     Tóm tắt: Thành tích trong công tác giao thông liên lạc, hoạt động du kích, công tác phụ nữ và gương hy sinh dũng cảm của chị Mạc Thị Bưởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chị được phong anh hùng quân đội và tặng thưởng huân chương quân công hạng hai. Tỉnh hội phụ nữ Hải Hưng phát động đợt thi đua học tập gương của chi.
     Chỉ số phân loại: 959.7 .MT 2024
     Số ĐKCB: TN.03676, TN.03677, TN.03678,

      Xin mời các em đến thư viện, tìm đọc cuốn sách này để hiểu hơn về người nữ anh hùng quê hương Nam Sách.